Tắc mạch ối – Tai biến sản khoa nguy hiểm không phải ai cũng biết
Sức khỏe: Gần đây, nhiều bà mẹ hay có thắc mắc về tai biến tắc mạch ối, đây là căn bệnh tai biến khoa sản ít người gặp nhưng cực kì nguy hiểm
Tắc mạch ối thường xảy ra trong chuyển dạ nhưng cũng có thể xảy ra trong khi mổ lấy thai, sảy thai, chấn thương bụng, truyền buồng ối, chọc hút nước ối…
Bình thường, nước ối hoàn toàn nằm trong buồng ối, không đi vào tuần hoàn của người mẹ. Một khi hàng rào ngăn cách giữa khoang ối và tuần hoàn của người mẹ bị phá vỡ, có thể do sự chênh lệch áp lực làm cho nước ối đi vào hệ thống tĩnh mạch của người mẹ (xoang tĩnh mạch tử cung) một cách bất thường qua các tĩnh mạch ống cổ tử cung, qua vị trí rau bám (nếu đã bong rau), qua nội mạc tử cung hay qua nơi tử cung bị chấn thương.
Dưới đây, sẽ là những kiến thức cơ bản để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về tai biến tắc mạch ối
Tắc mạch ối xảy ra khi nào?
Tắc mạch ối thường xảy ra trong chuyển dạ nhưng cũng có thể xảy ra trong khi mổ lấy thai, sảy thai, chấn thương bụng, truyền buồng ối, chọc hút nước ối, thậm chí có thể gặp tắc mạch ối sau khi đẻ, sau mổ lấy thai. Một số lý do hay gặp như: rau cài răng lược, vỡ tử cung, sót rau. Thời điểm xảy ra tắc mạch ối cũng rất khác nhau tùy trường hợp, 12% số trường hợp xảy ra tắc mạch ối khi màng ối còn nguyên, 70% xảy ra sau đẻ qua đường âm đạo, 19% xảy ra trong mổ lấy thai khi đã có chuyển dạ hay khi chưa có chuyển dạ.
Nước ối đi vào tuần hoàn của người mẹ qua 3 trường hợp: Vỡ ối, vỡ tĩnh mạch tử cung hay tĩnh mạch cổ tử cung và áp lực buồng tử cung cao hơn áp lực tĩnh mạch.
Tắc mạch ối xảy ra khi nước ối, tế bào thai nhi, bọt khí, chất gây, tóc hoặc các mảnh tổ chức thai khác lọt vào hệ tuần hoàn của mẹ gây ra suy hô hấp và tuần hoàn cấp tính
Bệnh cảnh lâm sàng
Các triệu chứng thường xuất hiện đột ngột song song với các dấu hiệu theo trình tự thời gian. Khởi đầu là suy hô hấp, tím tái xảy ra đột ngột trong vài phút và tiếp đến là tụt huyết áp, phù phổi, choáng, biểu hiện thần kinh như: lú lẫn, mất ý thức và co giật. Trên 80% số trường hợp người bệnh có biểu hiện ngừng tim, ngừng thở trong vài phút đầu tiên. Có đến 50% số trường hợp bị tử vong ngay trong giờ đầu xuất hiện triệu chứng.
Nếu người bệnh thoát qua được giai đoạn này (khoảng 40% số trường hợp) sẽ có biểu hiện chảy máu dữ dội nhiều nơi do đờ tử cung (nếu sau đẻ) và do đông máu rải rác trong lòng mạch. Chảy máu từ tử cung không thể cầm được. Chảy máu từ các vết chọc kim, catheter, chọc tủy sống hay ngoài màng cứng. Tình trạng rối loạn đông máu nặng nề có thể liên quan đến thromboplastin có trong nước ối đã hoạt hóa quá trình đông máu, làm cho hoạt động tiêu sợi huyết trở nên quá mức. Số trường hợp có biểu hiện phù phổi ở giai đoạn này cũng cao.
Tiêu chuẩn chuẩn đoán tắc mạch ối
Khi có những tiêu chuẩn sau: Tụt huyết áp đột ngột hay ngừng tim; Thiếu ôxy cấp tính; Bệnh lý đông máu hay chảy máu nặng mà không có các lý giải khác; Tất cả xảy ra trong chuyển dạ, mổ lấy thai hay trong vòng 30 phút sau đẻ mà không có lý giải nào khác cho các dấu hiệu này. Ngoài ra, thực hiện các xét nghiệm: xét nghiệm khí trong máu; công thức máu; đông máu; Xquang phổi: thường không tìm thấy dấu hiệu đặc hiệu, có thể quan sát thấy dấu hiệu phù phổi; điện tâm đồ: có thể thấy nhịp tim nhanh, phần ST và song T thay đổi.
Yếu tố nguy cơ gây tắc mạch ối
Tắc mạch ối có thể xảy ra ở bất cứ thai phụ nào trong cuộc đẻ hoặc mổ lấy thai sau đẻ… Tuổi sản phụ cao thì nguy cơ bị tắc mạch ối nhiều hơn. Tuổi mẹ từ 35 trở lên kéo theo nguy cơ cao bị tắc mạch ối. Con rạ có nguy cao hơn con so. Người ta thấy 75% số trường hợp tắc mạch ối xảy ra ở người đẻ con rạ. Về giới tính của thai: 67% số trường hợp tắc mạch ối là mang thai trai. Mổ lấy thai, đẻ đường dưới có can thiệp thủ thuật foóc-xép hay giác kéo có nguy cơ cao hơn đẻ thường. Đa ối, đa thai (tử cung quá to), thai chết lưu, vỡ ối, rách cổ tử cung, vỡ tử cung, rau tiền đạo, rau bong non, sản giật, gây chuyển dạ cũng là yếu tố nguy cơ gây tắc mạch ối.
Quá trình bệnh lý thường xảy ra theo 2 giai đoạn.
Giai đoạn 1 là sự co thắt của động mạch phổi, tăng áp lực động mạch phổi và tâm thất phải cấp tính gây giảm oxy huyết. Giảm oxy huyết gây ra phá huỷ các mao mạch cơ tim và mao mạch phổi, gây suy tim trái, và hội chứng suy hô hấp cấp.
Khoảng 50% trường hợp sống sót qua giai đoạn 1 (kéo dài khoảng 1 giờ), sẽ bước vào
Giai đoạn 2 là giai đoạn chảy máu đồng bộ và đông máu rải rác lòng mạch
Bệnh cảnh lâm sàng xuất hiện rất nhanh với các dấu hiệu khó thở cấp tính, đôi khi ho, huyết áp hạ nhanh và đột ngột nhất là huyết áp tâm trương, tím tái quanh môi và các đầu chi, có thể ngừng tim, hoặc các dấu hiệu phù phổi cấp. Về theo dõi sản khoa, nhịp tim thai chậm, chảy máu từ tử cung trong giai đoạn muộn
Cần chẩn đoán phân biệt với rất nhiều hội chứng khác như tắc mạch do huyết khối, tắc mạch khí, sốc nhiễm khuẩn, nhồi máu cơ tim cấp tính, sôc phản vệ do các nguyên nhân khác, rau bong non, hay phản ứng gây tê tại chỗ.
Việc điều trị mang tính hỗ trợ chứ không phải điều trị căn nguyên.
Đối với hội chứng này, vai trò của cán bộ và kỹ thuật hồi sức quan trọng hơn là nhà sản khoa. Trong trường hợp xử lý, các nhà hồi sức thường áp dụng 4 nguyên tắc chính trong điều trị bao gồm tăng cường thông khí, tăng cường oxy, hỗ trợ tuần hoàn và điều chỉnh rối loạn đông máu.
Về phương diện sản khoa, nhiều tác giả đề nghị mổ đẻ ngay khi có thể, trước hết là để cứu thai nhi, sau đó để dễ dàng hơn tái lập cân bằng huyết động. Khi mổ đẻ có thể thắt động mạch tử cung hai bên để cầm máu.
Kết quả điều trị là thấp cho dù tất cả những nỗ lực nói trên. Tuy nhiên, điều trị tich cực vẫn có thể mang lại hy vọng cứu sống bệnh nhân. Ví dụ, các bác sĩ tại KK Women and Children Hospital đã báo cáo 2 trường hợp bệnh nhân sống sót sau các điều trị tích cực vào năm 2002
Những nghiên cứu ở thời điểm hiện tại trên bệnh lý này cho phép kết luận rằng, tắc mạch ối là một biến chứng sản khoa nguy hiểm, tử vong cao, không thể đoán trước và không thể dự phòng.
Tuy nhiên, các nhà sản khoa cần hết sức cảnh giác và có những điều trị tích cực khi xảy ra để có thể mang lại hy vọng sống sót cao hơn cho cả thai phụ và thai nhi.