Rơi nước mắt mảnh đời bà cụ bán bánh sùng hơn 60 năm nuôi con gái tâm thần : Cả đời chỉ mong một lần nghe con gọi ” Má Ơi”
Đó là tâm sự buồn của bà cụ cả đời làm nghề bán bánh sùng ở Sài Gòn. Dù đã gần trăm tuổi thế nhưng hơn 60 năm qua bà vẫn miệt mài buôn bán để nuôi nấng đứa con gái tâm thần, chưa một lần gọi được tiếng má ơi cho hoàn chỉnh
Bởi cứ mỗi lần nghe Cẩm Vân “bà bánh sùng ơi!”, cụ Biết lại thở dài thượt, day day mắt nhìn con, buồn thương lẫn lộn. Đã gần trăm tuổi, vậy mà ngần ấy thời gian, cụ chưa được lần nào nghe tiếng “má” trọn vẹn từ đứa con gái.
“Bà bánh sùng đó. À không, bà ba ve chai, bả hết bán bánh sùng lâu rồi.”
Nghe con gái nói về mình như vậy, cụ Biết day mắt nhìn con, buồn buồn: “Đừng kêu bà bánh sùng nữa nghen, phải gọi là má Cẩm Vân”, rồi bà cụ khóc. Chị nghe xong, chẳng nói chẳng rằng, vô thần hất chân đẩy chiếc võng đung đưa, với đầu sợi dây thừng tì vào cột gỗ chống nhà kêu lên cót két.
Người đàn bà điên trong hẻm nhỏ Sài Gòn và cụ già 60 năm theo bước chân con
Trung tâm quận 1 năm này qua năm khác chuyển mình nhanh đến chóng mặt. Con đường Hồ Hảo Hớn đầu tháng 12 lại mọc thêm chục tòa nhà chọc trời như nấm sau mưa. Tiếng búa công trình đập vào nền tường chan chát giữa trưa làm Cẩm Vân giật nảy mình. Căn chòi ọp ẹp lợp bằng mớ bạt cũ, tôn rách ràng dây nhợ không đủ sức cản tiếng ồn ào dội vào lòng nhà.
“Bà bánh sùng” cùng đứa con gái đã sống trong hẻm 42 đường Hồ Hảo Hớn, phường Cô Giang, quận 1 đó gần như là cả cuộc đời. Nửa đêm, đang thiu thiu ngủ, chuột chạy ngang chân ngửi nhầm là đồ ăn, chúng cắn bậy chảy máu, hai mẹ con chỉ biết thụt chân vào mền ngủ tiếp.
“Bà bánh sùng” tên là Trần Thị Biết. Bà cụ 92 tuổi lưng còng hình chữ “L úp ngược” có thói quen đi mót ve chai nửa đêm.“Giờ đó Tây nhậu xong mới nhiều lon nhôm, bán kiếm tiền cơm gạo nuôi Cẩm Vân.”- bà bảo.
Lúc xưa, một tay rổ rá bán bánh sùng khắp Sài Gòn, bà nuôi 6 người con. Ba trai, ba gái. Tên là Phát, Thiện, Tân, Hai, Tài và Cẩm Vân. Vậy mà trời ác, 5 cô cậu từ độ hai mấy tuổi cứ thế lần lượt dắt díu nhau bỏ má. Trên bàn thờ, bà Biết chỉ còn giữ lại tấm di ảnh hiếm hoi của cậu Út. Cậu có khuôn mặt phúc hậu với nụ cười mỉm lạnh ngắt sau nhang đèn. Hôm gặp tôi, bà cụ kể bằng giọng tỉnh queo: “Chết quá trời quá đất, còn chỗ đâu thờ, nước mắt đâu mà khóc nữa.”
Cụ Biết còn lại đứa con gái duy nhất là Cẩm Vân, đã quá 60 tuổi. Ngặt nỗi chị Vân cười cười nói nói một mình suốt ngày, người trong xóm bảo chị tâm thần. Vậy mà, có hôm nhìn lên bàn thờ, thấy di ảnh cậu Út, chị khóc bù lu bù loa. Chị quẹt cây nhang, khum tay vái, rồi xiên xiên cắm vào lư đồng đen kịt khói cúng em trai.
Năm chị Cẩm Vân hai mấy, chị giận chồng phụ bạc nên trở bệnh. Chị trèo lên mái nhà ném ngói trúng người ta. Bác sĩ xuống bắt vào trại, “bà bánh sùng” khóc hết nước mắt, chắp tay van lạy, rồi thề thốt sẽ chăm con cẩn thận. Người ta vẫn bắt chị đi, rổ rá bán buôn bà bỏ lửng, vào viện chăm con mấy năm trời.
“May lắm, con Vân ở viện lại hết bệnh, người ta cho về mấy lần. Nó cũng đi làm việc rồi. Kiếm ít tiền lại mua quà cho bác sĩ, hay ít cá tôm về nhà bảo “bà bánh sùng” ăn đi. Mà già rồi, ăn gì được.” – bà cười.
Có hôm lẻn đi chơi, chị xuống tận Vũng Tàu. “Bà bánh sùng” vẫn rổ bánh sùng, nhưng không phải đi bán, bà kiếm cớ ra khỏi nhà tìm con. Mà Sài Gòn rộng quá chừng, năm này qua năm nọ, đứa con gái già tuổi vẫn bặt vô âm tín. “Tận hai năm sau, người ta mới đánh thơ về, Cẩm Vân miêu tả trong thơ về má nó bán bánh sùng ở hẻm 42 Hồ Hảo Hớn thì dân ở đây biết. Bà lên nhận về nuôi tới giờ…”.
Từ ấy, chị Vân tỉnh tỉnh, mê mê. Trong kí ức hỗn độn của chị chỉ có bà bán bánh sùng. Chị ở với bà bán bánh sùng, đói có bà bánh sùng nấu ăn, ngủ có bàn bánh sùng mắc võng, và ngay cả cái quần cái áo cũng có bà bánh sùng khâu vá. Có lần nào quậy, bà bánh sùng la, chị quay mặt giận dỗi. Hệt như một đứa trẻ lên sáu.
Cả đời người mẹ đợi tiếng: Má ơi!
Mấy ngày cuối năm, Sài Gòn đổ mưa lớn bất chợt, con hẻm 42 cắt ngang đường Hồ Hảo Hớn trũng nước. Cụ Biết không đi nhặt ve chai, cụ nằm nhà, đi ra đi vào chụm bếp củi nấu mớ cháo trắng. Hằng ngày, có cô hàng xóm ghé qua móc trước nhà hai hộp cơm. Bà chia cho con ăn, tằn lại ít cơm nguội để nấu nồi cháo buổi sáng.
“Bà bánh sùng” cất ít cơm nguội để mai nấu cháo bữa sáng.
Cẩm Vân nhìn bà nhai trệu trạo, chị thương quá bèn lừa bà.
– Bà bánh sùng ơi, bà bánh sùng, con thèm hủ tiếu quá!
Bà cho chị ra khỏi nhà, chị đi một mạch từ sáng sớm đến gần trưa. Tay cầm bịch hủ tiếu mừng rối rít:
– Bà bánh sùng ăn cái này ngon hơn nè bà bánh sùng.
Cụ Biết nhìn đứa con gái mừng đến đứt ruột. “Nó dở người vậy chớ thương tui lắm. Hồi lúc tỉnh cũng đi mua này nọ về cho ăn. Có hôm nó mua luôn chiếc xe lăn, bảo bà bánh sùng lên nó đẩy đi chơi. Mà ai dám, lỡ té là đi luôn đó cậu.”
Cẩm Vân nghe chuyện cũ, bụm miệng cười bẽn lẽn.
60 năm, bà vẫn nghe con kể đi kể lại những câu chuyện không đầu không đuôi, rồi cười cười một mình như thế. Chị nói suốt ngày. Hôm nào, “bà bánh sùng” kêu rát họng mà Cẩm Vân im lặng, là chị đang giận bà không cho mình ra khỏi nhà.
“Duy chỉ có tiếng má bà chưa bao giờ được nghe hết…” – bà cụ nhìn tôi, miệng cười chua chát –“Bà có mất thì hổng cần người ta cúng điếu đâu. Mong ai nhận chăm con Vân, không thì giúp gửi xuống cho người em con dì nó. Đưa vào nhà thương thì tội nghiệp.”
Cẩm Vân nghe bà gọi tên mình, chị lại cười khanh khách.
Bà cụ 92 tuổi vẫn ngồi dưới đất nhìn đứa con gái 65 tuổi, có mái tóc undercut bà tự cắt chỗ dài chỗ ngắn. Ánh mắt bà buồn và đọng đầy bóng tối.